Trang chủ Liên hệ

Chiêu lừa bằng cuộc gọi video qua Messenger dùng AI giả mạo khuôn mặt

CỬA HÀNG PHỤ KIỆN ĐIỆN THOẠI BASEUS 30/12/2024

Lừa đảo bằng cuộc gọi video qua Messenger dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo khuôn mặt, giọng nói là 1 trong 3 thủ đoạn lừa đảo vừa được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân nâng cao cảnh giác.

Dưới đây là 3 thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều trên không gian mạng Việt Nam trong tuần, từ 23/12 đến ngày 29/12:

Lừa đảo dưới hình thức tổ chức tour du lịch

Một phụ nữ sống tại Hà Nội mới đây đã bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người này đã nhận tiền của 2 lãnh đạo doanh nghiệp để làm thủ tục xin visa, tổ chức tour du lịch 5 ngày 4 đêm tại Hàn Quốc; tuy nhiên sau đó đã chiếm đoạt tiền, không thực hiện thỏa thuận.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là giả mạo công ty du lịch uy tín hoặc tạo lập công ty không có thật. Công ty lừa đảo thường không cung cấp địa chỉ, số điện thoại, hoặc thông tin về giấy phép kinh doanh.

Đối tượng đăng hàng loạt quảng cáo tour du lịch trên mạng xã hội, tin nhắn; chào bán các tour du lịch với mức giá rất thấp và yêu cầu thanh toán trước toàn bộ hoặc một khoản tiền lớn, nhưng không có hợp đồng rõ ràng hoặc không có thông tin đầy đủ về đơn vị tổ chức tour.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân thận trọng trước các tour du lịch giá rẻ bất ngờ trên mạng xã hội, đặc biệt vào dịp cuối năm.

Người dân nên kiểm tra để đảm bảo công ty du lịch có giấy phép hoạt động hợp pháp; chỉ nên thanh toán qua các phương thức an toàn, không bao giờ gửi tiền qua các kênh không rõ ràng.

Người dân không nên chuyển tiền cho cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc; không truy cập những liên kết hoặc tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội; không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay thông tin thẻ tín dụng với người lạ.

Lừa đảo qua Messenger dùng AI giả mạo khuôn mặt và giọng nói

Gần đây, một phụ nữ ở quận Long Biên (Hà Nội) nhận được cuộc gọi video qua Messenger của con trai đang học đại học ở TP HCM nhắn chuyển hơn 100 triệu đồng để đóng phí đăng ký du học. Tuy nhiên, người này đã không làm theo yêu cầu vì nghi ngờ lừa đảo.

Nhận định các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao như AI đang ngày càng phổ biến và tinh vi, Cục An toàn thông tin phân tích, về thủ đoạn, ban đầu, các đối tượng thu thập hình ảnh và video từ tài khoản mạng xã hội hoặc các nguồn khác của nạn nhân.

Tiếp đó, chúng dùng AI để ghép khuôn mặt và giọng nói, tạo cuộc gọi video giả mạo người thân, bạn bè. Trong cuộc gọi với nạn nhân, đối tượng đưa ra lý do cấp bách như tai nạn, nợ tiền, cần hỗ trợ tài chính để yêu cầu chuyển tiền ngay.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác để bảo vệ tài sản, thông tin cá nhân, và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn những hành vi phạm pháp.

Cụ thể, người dân khi nhận cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền, trước tiên phải xác minh thông tin, gọi lại trực tiếp cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin; cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân và thông tin nhạy cảm; điều chỉnh quyền riêng tư để hạn chế người lạ truy cập tài khoản.

Cẩn trọng với ‘lò luyện thi đánh giá năng lực’ trên mạng

Lợi dụng sự lo lắng của những thí sinh thi đánh giá năng lực năm 2025 theo chương trình mới, nhiều khóa ôn luyện đang được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội. Thủ đoạn chung của các đối tượng là tạo lập các hội nhóm liên quan đến các khóa học ‘luyện thi đánh giá năng lực’.

Hiện nay, trên các hội nhóm về kỳ thi đánh giá năng lực, cứ vài tiếng lại có 1 bài viết ẩn danh hỏi địa chỉ luyện thi. Dưới bài đăng, hàng loạt bình luận giới thiệu là nhân sự hoặc từng học ở những trung tâm và đạt kết quả tốt. Thí sinh chỉ cần phản hồi bình luận, sẽ có người chủ động liên hệ giới thiệu khóa học.

Cục An toàn thông tin nhận định các ‘lò luyện thi đánh giá năng lực’ trên mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo. Người dân, đặc biệt là học sinh và phụ huynh, khi có nhu cầu tìm kiếm trung tâm luyện thi cần hết sức cẩn trọng với những ‘lò luyện thi đánh giá năng lực’ trên mạng.

Người học nên chọn những khóa học từ các trường, trung tâm luyện thi uy tín, hoặc các nền tảng học trực tuyến đã được kiểm chứng; cần kiểm tra thông tin trung tâm luyện thi, giảng viên, phương pháp giảng dạy.

Đặc biệt, người học không nên tin vào những lời hứa ‘đảm bảo đỗ’, bởi đó thường là dấu hiệu của lừa đảo. 

 

Bài viết liên quan