Trang chủ Liên hệ

Tăng cường quản lý quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới

CỬA HÀNG PHỤ KIỆN ĐIỆN THOẠI BASEUS 30/11/2024

VTV.vn - Theo Bộ TT&TT, tình trạng quảng cáo vào nội dung sai sự thật, quảng cáo bị cài vào các video xấu độc, có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước đã được hạn chế trong năm 2024.

Ngày 28/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức "Hội nghị tổng kết, đánh giá hoạt động lĩnh vực thông tin điện tử năm 2024, định hướng năm 2025 và phổ biến Nghị định số 147/2024/NĐ-CP" với sự tham gia của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các tổ chức, doanh nghiệp và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 13 Giấy xác nhận thông báo thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai các giải pháp nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.

Cụ thể, Bộ đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý quảng cáo trên mạng và đề xuất bổ sung vào trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung: Trách nhiệm cụ thể của nền tảng quảng cáo trong và ngoài nước; Quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không tuân thủ các quy định về quảng cáo tại Việt Nam; Trách nhiệm của nghệ sĩ, KOL khi quảng cáo; Trách nhiệm quản lý về quảng cáo của các bộ chuyên ngành, địa phương…

                              Quảng cáo gắn vào Instant Articles câu view trên Facebook (Ảnh: Bộ TT&TT)

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, tăng cường xử lý vi phạm với các đại lý quảng cáo, nhãn hàng có sản phẩm quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nhân sự chủ động kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo và vị trí cài đặt quảng cáo, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; yêu cầu đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo chủ động tăng cường rà soát nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo, không hợp tác quảng cáo với các website, trang, kênh, tài khoản vi phạm pháp luật.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai sáng kiến về "White List" nhằm điều hướng dòng tiền quảng cáo từ các nền tảng xuyên biên giới về các nền tảng nội dung số trong nước với thông điệp được chuyển tải đến các đại lý quảng cáo và người làm nội dung. Chỉ làm nội dung sạch, thông tin có ích cho cộng đồng mới được nhận quảng cáo. Trong năm 2024, danh sách White List đã được mở rộng thêm từ 7.028 lên gần 8.000 trang/kênh/tài khoản.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và ban hành quy chế phối hợp về việc hạn chế xuất hiện trên báo chí, trên các nền tảng truyền thông xã hội, trên sân khấu biểu diễn đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục, có hình ảnh, phát ngôn, hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội.

Bộ đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo; xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể, năm 2023 đã xử lý 10 trường hợp với tổng số tiền phạt 175 triệu đồng, năm 2024 xử lý 6 trường hợp với tổng số tiền phạt 130 triệu đồng.

Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp như trên, tình trạng quảng cáo vào nội dung sai sự thật, phản cảm hoặc quảng cáo bị cài đặt vào các video xấu độc, có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước đã được hạn chế, số lần xử lý vi phạm giảm 50% so với năm 2023.

Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động này còn tồn tại một số vấn đề như: các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới không kiểm soát nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, liên tục thay đổi thuật toán, hình thức phân phối quảng cáo, dẫn đến khó khăn trong việc rà quét, phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, các đối tượng vi phạm lợi dụng công nghệ để lẩn trốn, sử dụng tài khoản ẩn danh để che dấu thông tin, cài đặt quảng cáo vi phạm pháp luật. Trong khi đó, quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động quảng cáo trên mạng chưa đầy đủ, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa bao quát được các hành vi vi phạm phổ biến, chưa xử phạt được các nền tảng xuyên biên giới.

                                     Quảng cáo gắn vào video xấu độc trên YouTube (Ảnh: Bộ TT&TT)

Năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các quy định tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP nhằm hạn chế những tồn tại nêu trên, đồng thời quản lý hiệu quả lĩnh vực thông tin điện tử và thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Cụ thể, về việc xác thực tài khoản của người sử dụng mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước, nước ngoài để triển khai hiệu quả quy định này.

Bộ cũng sẽ yêu cầu các mạng xã hội trong và ngoài nước chặn gỡ kịp thời nội dung, dịch vụ vi phạm; chặn/khóa tài khoản/trang/kênh thường xuyên vi phạm; triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ trẻ em khi tham gia cung cấp, sử dụng dịch vụ trên không gian mạng; tập trung xử lý vấn đề báo hóa trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Ngoài ra, trên cơ sở những nội dung đã đánh giá trong năm 2024, trong năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ để vừa quản lý tốt lĩnh vực, vừa thúc đẩy ngành phát triển, cụ thể là: tiếp tục phối hợp sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực thông tin điện tử phát triển; xây dựng và ban hành mã ngành, mã nghề, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng, tập trung vào lĩnh vực thiết kế, lập trình, đồ họa, quản trị cho dự án game…

Bộ cũng sẽ điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng nguồn thu cho các trang/kênh/tài khoản sạch trong nước đã xác thực; định hướng các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung để khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực để thu hút quảng cáo; tổ chức Ngày hội các nhà sáng tạo nội dung (KOL) nhằm ghi nhận những đóng góp của các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng; phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện vi phạm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường biện pháp kỹ thuật để rà quét, giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ AI để rà quét; phát huy vai trò của đường dây nóng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ duy trì, tổ chức Ngày hội Gameverse lần thứ 3 với quy mô lớn trong khu vực, thu hút sự quan tâm, tham gia của các công ty, tập đoàn hàng đầu về công nghệ, game trong khu vực và thế giới.

Bộ sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử và khuyến cáo kiểm soát hoạt động biểu diễn, phát sóng, đăng tải, sử dụng hình ảnh trên báo chí, Đài PT-TH, trên môi trường mạng trong các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh cứng rắn để đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, buộc các nền tảng ngày càng phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam.

Nguồn: https://vtv.vn/cong-nghe/tang-cuong-quan-ly-quang-cao-tren-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi-20241128174223055.htm

Bài viết liên quan